Hôm nay tôi sẽ dùng góc nhìn của người Việt Nam để đưa ra một vấn đề mà đối với người trẻ tuổi tưởng chừng xa xôi nhưng thực ra lại rất gần và có thể gọi là khẩn cấp đến “sát đít” – bạn sẽ để cuộc sống của mình như nào khi về già. Bài viết được xây dựng trên trục tư duy của 3 tác giả nổi tiếng người Hàn Quốc Go Deuk Seong - Jeong Seong Jin & Choi Pyong Hee (những người đã chắp bút viết “Thịnh vượng tài chính tuổi 30”).
Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dạy chúng ta rằng: “Con hãy học tập chăm chỉ, đạt điểm cao, thi đỗ trường đại học danh tiếng, con sẽ tìm được công việc với mức lương cao và đãi ngộ tốt”. Ngày nay, bạn tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm, phấn đấu trong công việc, ngày nghỉ đi du lịch cùng bạn bè, như vậy cũng là tạm ổn. Nhưng 30 năm sau thì sao? Bạn đã bao giờ mường tượng về cuộc sống của mình 30 năm sau? Bạn sẽ cầm tay người bạn đời của mình ngắm mặt trời mọc tại một căn hộ ven biển Phú Quốc, hay ngồi ăn cháo trắng trong ngôi nhà nhỏ bé của mình?
Mỗi người chúng ta đều sẽ già đi, nhưng không ai mong muốn thu nhập hôm nay kém hơn hôm qua; ai cũng mong mình sống lâu, và không muốn phải chịu cảnh buồn tủi hay vất vả lúc tuổi già. Tôi và bạn đã thấy nhiều người già hàng ngày vẫn phải còng lưng đạp xe mưu sinh, vẫn phải lo toan những điều mà đáng ra ở độ tuổi giống như cha mẹ chúng ta họ không còn phải gánh vác nữa. Nhưng đó vẫn là hiện thực, là nỗi đau mà những người trẻ chúng ta vẫn nhìn thấy và không bao giờ muốn thấy.
Bạn đã bao giờ tính toán thử xem 30 năm sau, với vai trò làm cha mẹ, bạn sẽ có bao nhiêu tiền để cho con ăn học, kết hôn? Sau khi nghỉ hưu bạn sẽ duy trì mức sống như hiện nay bằng cách nào? Bạn cần bao nhiêu tiền để làm việc đó?
Giả sử hiện nay bạn 30 tuổi, bạn sẽ nghỉ hưu năm 55 tuổi, và sẽ mất vào năm 80 tuổi. Hiện nay chi phí tối thiểu cho cuộc sống ở thành phố và bảo hiểm y tế là 6 triệu/tháng, tạm tính tỷ lệ lạm phát là 4%, 25 năm sau nếu muốn duy trì mức sống như hiện nay cần phải có 16 triệu/tháng. Cuộc sống sau khi nghỉ hưu trong 25 năm tối thiểu cần 16 triệu/tháng x 12 tháng x 25 năm = 4,8 tỷ. Nếu thêm 4 triệu chi phí du lịch và thư giãn tối thiểu, thì con số 4,8 tỷ sẽ phải cộng thêm 3,2 tỷ nữa, tổng cộng là 8 tỷ Việt Nam Đồng. 8 tỷ mới chỉ là chi phí cho bản thân, tổng chi phí cho hai vợ chồng tính sơ sơ cũng lên đến 16 tỷ.
Hơn nữa, nếu có sức khỏe, bạn còn có thể sống đến 85 tuổi thậm chí là 90 tuổi. Thêm vào đó là những chi phí không thể tính trước dành để chữa trị những căn bệnh của tuổi già. Do vậy mà số tiền cần thiết để dưỡng già sẽ có thể lên tới 20 tỷ hoặc cao hơn nữa. Nếu chúng ta mải mê vui chơi với tuổi trẻ, điều đó có thể mang đến những trải nghiệm rất tuyệt vời, nhưng bạn sẽ đồng tình với tôi chứ! Đó là khi nhắc đến số tiền dưỡng già này, chúng ta đang thực sự cảm thấy hơi nóng của áp lực tương lai tuổi già phả mạnh vào gáy. Tôi sẽ không bàng quan và chấp nhận bản thân mình trở thành gánh nặng cho chính tương lai của mình hay con mình. Bạn có giống tôi không?!
“TÔI CÓ NGHĨ ĐẾN, NHƯNG KHÔNG BIẾT KIẾM ĐÂU RA CẢ…”
Trước đây, tôi thường xuyên có suy nghĩ này và cảm thấy để có số tiền tỷ, nghe nó to và vô vọng lắm. Nhưng sau này tôi thấy nó không phải chuyện ảo tưởng và thiếu thực tế, vì ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa điều này, thực tế. Theo giả thiết trên, nếu bạn đi làm năm 25 tuổi, thì thời gian làm việc là 30 năm, thời gian nghỉ hưu 25 năm, cũng có nghĩa là trong 30 năm đi làm bạn sẽ phải chuẩn bị để dành ra 16 tỷ, trong đó chưa bao gồm khoản tiền mua nhà, mua xe và nuôi con cái.
- 30 năm, 16 tỷ, tôi dám chắc rằng bạn, nếu là một người thu nhập không quá cao, khá choáng váng với những con số này. Nhưng như đã nói, có công thức hiện thực hóa nó và bạn không cần phải hoang mang nữa, nó sẽ giúp bạn vượt qua bức tường ngăn cách giữa câu chuyện kinh hãi tôi kể bên trên và việc thực hiện được nó.
HÃY CÙNG TÔI XEM XÉT BẢNG TÍNH SAU
Mỗi tháng 5,5 triệu, với lãi suất một năm là 12% sau 30 năm sau sẽ có 16 tỷ.
Nếu bạn 30 tuổi, mỗi tháng bạn chỉ cần tiết kiệm lại và đầu tư 5,5 triệu, thì 30 năm sau, tức là khi bạn 60 tuổi, bạn sẽ có 16 tỷ! Số tiền 16 tỷ đủ cho bạn và người bạn đời hưởng thụ cuộc sống an nhàn lúc tuổi già.
Có thể bạn thấy điều này thật khó, bạn đang trong độ tuổi lập nghiệp, bạn phải mua nhà, mua xe, chuẩn bị kết hôn, không thể để ra 5,5 triệu mỗi tháng, vậy thì bạn có thể lùi lại 10 năm, đến khi 40 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm có được không? Đáp án là có, nhưng bạn sẽ mất hơn 11 tỷ nếu làm bằng cách đó.
Từ năm 30 tuổi mỗi tháng đầu tư 5,5 triệu với lãi 12%/năm, trong vòng 30 năm sẽ thu về 16 tỷ. Đến năm 40 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm cho hành trình này, trong 20 năm thì lợi nhuận sẽ là bao nhiêu? 4,8 tỷ! Chỉ chậm 10 năm thôi, thu nhập của bạn đã giảm đi hơn 11 tỷ.
Vậy đó, có 20 tỷ trong tài khoản để an tâm dưỡng già và dành đầu óc thảnh thơi chơi với con cháu là điều thực tế. Vấn đề nhỏ bạn cần là, điều tiết thói quen chi tiêu của mình để dành dụm được số tiền đã hoạch định mỗi tháng. Nếu không, như bạn thấy rồi đó, chỉ cần chệch đi một con số nhỏ trong công thức, tiền tiết kiệm sau mấy chục năm đã bị ngốn mất gần hết.
Thời gian không chờ đợi ai cả, nếu bạn bắt đầu hoạch định cuộc sống tuổi già của mình sớm, tôi nghĩ thời gian sẽ không cần đến 30 năm. Và có thể chúng ta sẽ không còn thấy một ai đó, ở độ tuổi giống như những người ông người bà hay ba mẹ của chúng ta, phải vất vả mưu sinh nữa. Thay vào đó, mỗi ngày tôi và bạn có thể nhìn thấy nhiều nụ cười hơn, ít ra là với những người quanh ta