• Kiến thức đầu tư

RỦI RO TRONG CUỘC SỐNG - CÓ ĐÁNG PHẢI QUAN TÂM???

“Về quê mà làm con ạ, để bố mày xin cho vào cơ quan nhà nước…. rồi ổn định mà lấy vợ”.

Câu nói ấy tôi thường xuyên nghe từ ngày bắt đầu bước vào những năm cuối đại học. Có thể không phải bất kỳ một gia đình nào ở Việt Nam có con đi học đại học cũng nói câu này hay có tư tưởng “ổn định” sớm. Tôi chỉ kể ra dưới góc nhìn của cá nhân mình, như một sự chia sẻ cuộc sống dưới góc nhìn tài chính. 

Gia đình tôi thuộc tầng lớp cận trung lưu, nơi mà đa số câu chuyện “cơm áo gạo tiền” là thứ khiến cho những ông bố bà mẹ thường phải đối mặt với chứng stress và đau đầu kinh niên. “Cơ cấu dân số” của nhà tôi cũng giống như đa số gia đình tại Việt Nam thời đó: một bố, một mẹ và hai đứa con.

Tuy nhiên bố mẹ tôi lại thuộc tầng lớp công nhân chứ chưa phải viên chức nhà nước, cho nên mức tăng trưởng lương và thu nhập là không phải cao, hay nói trắng ra là thấp. Tuổi thơ tôi là tháng ngày nhìn thấy câu chuyện “cơm áo gạo tiền” hành hạ tinh thần hai người trụ cột trong gia đình. Và tôi sẽ nhắc lại câu nói của thầy tôi: “Nhà nào mà người phụ nữ không cảm thấy sự an toàn, gia đình đó chắc chắn không hạnh phúc”.

Tôi đi tìm câu trả lời cho những sự mất mát này của tuổi thơ mình. Và tôi thấy nó xuất hiện thường trực trong câu nói của bên gia đình tôi, họ ngoại. Đó là sự mong muốn ổn định và đi làm nhà nước. Như tôi nói, tôi thường xuyên được nghe câu nói này trong mười mấy năm qua, khi đi học lẫn khi học đại học. Đến cả khi tôi ra trường đi làm thì nó vẫn xuất hiện trong lời khuyên của người nhà với tôi. “Ổn định”.

Đúng, ổn định sẽ rất tốt. Nhưng nếu như bạn ổn định với một mức thu nhập tốt, cao và đủ để trang trải chi phí tối thiểu cho cuộc sống cá nhân, sau này là cuộc sống hôn nhân và những đứa con. Thời thơ ấu đã cho tôi những góc nhìn để khiến tôi không thể nào cứ nghe theo cái gọi là “ổn định được”. Đối với cha mẹ tôi, đó là một sự ổn định thấp. Tại sao lại ổn định thấp…? 

Vì cha mẹ dồn rất nhiều sự kỳ vọng vào sự nghiệp học hành của chúng tôi. Ở quê tôi, hay như tôi biết, ở quê của số đông chúng ta. Sự thi đua học và vào đại học là sẽ kiếm được việc làm tốt, sẽ thay đổi tương lai của chúng ta và gia đình. Vậy là, không cần xét một cách kỹ càng, chúng tôi trở thành những “cỗ máy học”. Và cũng như những đứa trẻ ngoan ngoãn chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ, chúng tôi học. 

Và học.

Nhưng chi phí học, học thêm đã ngốn rất nhiều trong quỹ ngân sách của gia đình tôi lúc đó. Có lẽ nếu tôi nhớ không nhầm là 40-50%. Bạn hãy nghĩ, nếu như thu nhập vợ chồng bạn thuộc nhóm trên trung lưu hoặc thuộc tầng lớp giàu mới nổi hay “tầng lớp tinh hoa”. 50% thu nhập sẽ là một số tiền đủ lớn để trang trải cho chi phí sinh hoạt, và có khi còn quá thừa để trang trải. Nhưng, với một gia đình còn chưa cả được liệt vào trung lưu như gia đình tôi thời điểm đó, nó là một gánh nặng nghìn cân. Suốt 15 năm học phổ thông của 2 anh em tôi. Sự tiết kiệm cho tương lai hầu như chưa từng có, và bạn biết tại sao tôi nói đến nó không…?

Không tiết kiệm hay đầu tư thêm từ tiền tiết kiệm, khi hai con của bạn đi học đại học sẽ là một gánh nặng chi phí vô cùng lớn, còn lớn hơn học phổ thông nhiều. Chưa kể thời gian kể từ 2004 đến nay, lạm phát ở Việt Nam thường xuyên tăng không kiểm soát nổi, có những năm lên tới xấp xỉ 20%. Tốc độ tăng lương thì chậm, tốc độ lạm phát thì nhanh, nhu cầu phát sinh chi phí theo độ tuổi ăn học ngày càng tăng, chưa kể muốn theo đuổi con đường học cao thì phải bỏ tiền ra tỷ lệ thuận với mức độ chuyên sâu và chuyên nghiệp => Bạn có thấy đầu vào càng bé mà đầu ra càng ngày càng to không?? => quả bom nổ chậm với sức nặng của Ngũ Hành Sơn sẵn sàng đè chết cuộc sống màu hồng của bạn. Ổn định thấp, đó là thứ mà bạn không muốn đâu.

NẾU BẠN KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ SAO

Rõ ràng câu chuyện mà tôi kể cho các bạn ở bên trên rặt một màu u tối và nghẹt thở. Có người sẽ nói rằng nếu ta nhìn khác đi thì sẽ khác, sẽ tươi đẹp hơn. Ồ, tôi đã từng như vậy và cũng đã từng áp dụng cách đó cho chính cuộc sống của mình để vươn lên, để quên đi, để học “Quan Võ Thánh chơi cờ cạo xương”. Nhưng giống như câu chuyện về loại thuốc giảm đau thần kỳ của Doremon mà thế hệ thiếu nhi vẫn hay đọc, ta có thể không đau, nhưng tay ta khi bị lửa đốt thì nó vẫn cháy.

Cái sự ổn định mà như tôi nghe được, đó không phải là thứ ổn định đáng để sống theo. Vì nó là sự cầu an, là một sự thụ động mong chờ có một tổ chức, một hệ thống nào đó hoạt động sẵn và ta chỉ cần đi làm cho nó là sẽ được trả công bằng đó tiền, không phải tư duy và thiếu chủ động cống hiến sáng tạo để đi lên. Nếu nghĩ tôi nói không đúng, hãy tìm câu trả lời ở các tổ chức nhà nước không độc quyền trước đây, những bài học về sự lãng phí nguồn lực còn đó. Và khi tổ chức hoạt động thiếu hiệu quả, lấy gì mà tăng lương?! Nhưng lạm phát không chờ bạn, nó sẽ vẫn tăng vì thế giới tư bản và nền kinh tế tư bản đi theo chủ nghĩa TĂNG TRƯỞNG. Nó sẽ gián tiếp thúc đẩy tăng giá mà thôi. 

Vậy nếu bạn là những đứa con ngoan ngoãn nhưng thụ động, đi học và không luyện được cho mình một chính kiến để khi trưởng thành về tuổi đời thì cũng kịp trưởng thành về tâm hồn và tư duy. Để dũng cảm sáng tạo, cống hiến và làm ra thành quả bằng tài năng của mình. Thì tin tôi đi, sự hy sinh vì sự nghiệp học hành của các bạn, của bố mẹ chúng ta sẽ đánh đổi lại bằng một tương lai cũng đầy dằn vặt, mơ hồ và mông lung như cách tôi đã từng dính phải cách đây vài năm. Và nếu bạn cứ thế chưa kịp thoát khỏi nó, còn một loại tốc độ nữa mà các bạn phải nhanh hơn nó: sự già đi của cha mẹ bạn.

Đã bao giờ bạn giật mình khi nhìn thấy dáng hình của người cha khỏe manh năm nào tóc bỗng bạc một nhiều hơn, mắt nheo nheo nhìn màn hình chiếc điện thoại 5C bạn chưa kịp đủ tiền để thay cho ổng. Hay đã bao giờ mắt bạn ngấn lệ khi người mẹ xinh đẹp năm nào của bạn, nay bước đi với cái dáng hơi khập khiễng vì bệnh đau xương chậu hay thoát vị (hậu quả nhiều năm sau sinh và ngồi làm việc)…

Khi bạn trẻ, đôi khi bạn sẽ mải mê với ước mơ và tham vọng cá nhân của mình. Nhưng khi bạn nhìn thấy những điều thuộc về kết quả của thời gian, bạn sẽ chợt ngộ ra trong một buổi chiều thu nào đó, rủi ro mà cha mẹ bạn chấp nhận: đó là nuôi dưỡng bạn và chưa hề dạy bạn về việc hãy trưởng thành mau chóng nhất, vì cha mẹ cũng sắp đến lúc già rồi.

RỦI RO GÌ MÀ PHẢI SỢ…!

Ừ, có nhiều khi chưa gặp biến cố sẽ thấy rằng: “mai ta vẫn kiếm được như hôm nay, có khi cha mẹ ta hay chính ta chẳng bệnh hoạn gì đâu, vẫn còn khỏe mà” hay “ta làm sao mất việc được, làm sao ta sụp đổ thất bại được”…. Nhưng không, không phải thế đâu. Chính tôi đã từng như thế, đã từng chủ quan say mê tìm kiếm theo những ước vọng cá nhân. Đến khi ngoảnh mặt lại, những điều ta không từng nghĩ, sẽ là những điều phải đến, để dạy và nhắc nhở ta một lần rằng: ta phải sống với một trái tim biết nghĩ cho chính người xung quanh ta nhiều hơn. 

Tài chính, rút cục, chẳng là thứ gì quan trọng cả.. Thật vậy. Nhưng nó là thứ ai cũng cần để duy trì cuộc sống, để những phút giây bệnh hoạn, trắc trở nó là thứ giúp ta đỡ phải nghĩ ngợi nhiều mà có quyền lựa chọn hoặc cho người thân ta sự thảnh thơi ít phải suy nghĩ. Đã bao lần mẹ ta nói: “mẹ không đói, con ăn đi”, hay cha ta kìm chế những sở thích cá nhân để mua cho ta một phần thưởng cho sự gắng công học hành. Người có thể dành cho ta tất cả, ta có thể chậm lại để nghĩ về người với một chút sắc sảo hơn không.

Tôi không kể ra đây với tư cách của một người bán bảo hiểm hay bất kỳ một sản phẩm tài chính nào cả. Tôi kể câu chuyện trên đây với tư cách của một người đã từng rất coi thường và miệt thị tài chính, tiền hay bất kỳ một sản phẩm nào. Đối với tôi trước đây, đó là lừa đảo và lợi dụng. Nhưng, chúng ta, rất có thể vào một quãng đường nào đó trong cuộc đời này, sẽ rất dễ phải đối mặt với một bài học, một câu chuyện éo le mà bắt buộc ta phải gặp để nhận ra những điều mà ta không coi trọng có ý nghĩa như nào.

Tôi chia sẻ chỉ mong rằng trên đường đời sẽ chẳng còn thấy ai phải gặp những sự éo le và dằn vặt như thế nữa cả.

Bài viết theo chủ đề

  • Tài chính cá nhân
  • Đầu tư chứng khoán

Công ty Cổ phần OneSecond Việt Nam

Thông tin liên hệ

Email: cskh@onesecond.vn

Địa chỉ: 18 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội

Cảm ơn bạn đã quan tâm!