Tôi rất xin lỗi các quý bạn đọc khi tiêu đề có sử dụng từ ngữ khá nặng nề. Tuy nhiên, gốc của cụm từ này chính là “Financial Illiteracy” nên không thể dịch khác. Và bản thân tôi cảm thấy rằng bài viết này tôi cần nhấn mạnh vào tính nghiêm trọng của việc thiếu và thờ ơ với kiến thức tài chính. Mật tuy ngọt nhưng sẽ làm chết ruồi, sự thật có thể không dễ nghe nhưng lại mang đến kết quả tốt đẹp và sự bình an rất dài hạn.
MÙ CHỮ TÀI CHÍNH LÀ GÌ
“Mù chữ tài chính” – cụm từ rất nặng xuất hiện trong tiêu đề, được Hội đồng các nhà giáo dục tài chính quốc gia Mỹ (NFEC) định nghĩa như sau. “Mù chữ tài chính - sử dụng để chỉ một cá nhân thiếu các kiến thức cơ bản về quản lý tiền và tài sản cá nhân.
Vì lý do đó, họ thường thực hiện các hành động như: chi tiêu quá nhiều, tiết kiệm quá ít, vay nợ nhiều, đầu tư bừa bãi, bỏ quên việc dự phòng các rủi ro tài chính sẵn có (lạm phát, rủi ro bệnh tật...). Điều này khiến cho tương lai của bản thân họ dễ rơi vào các hậu quả tài chính lớn như phá sản, túng thiếu tài chính khi về hưu, phụ thuộc và trở thành gánh nặng cho người thân khi gặp rủi ro bệnh tật, tai nạn,…
Các vấn đề mà cá nhân có “Mù chữ tài chính” mắc phải, gồm:
- Không hiểu mối tương quan giữa hoạt động của tiền, lạm phát và nền kinh tế để hạn chế rủi ro thu nhập trong các chu kỳ kinh tế khác nhau
- Không lập hoặc không tuân thủ kế hoạch ngân sách: thu chi hợp lý, vay nợ hợp lý
- Không có hoặc thiếu các phương án dự phòng các rủi ro tài chính luôn thường trực (4 rủi ro cơ bản: rủi ro thu nhập, rủi ro chi tiêu, rủi ro tài sản, rủi ro nợ)
- Không hiểu cơ chế hoạt động đầu tư -> đầu tư bừa bãi, mất vốn hoặc không đầu tư để bù đắp rủi ro trượt giá
-----------------------------
"MÙ CHỮ TÀI CHÍNH" - NƯỚC TA VÀ NƯỚC BẠN
Nghiên cứu của Raddon tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích, thống kê, hướng dẫn chiến lược cho các tổ chức tài chính hàng đầu tại Mỹ cho biết: 44% người Mỹ được khảo sát cho biết họ rất hiểu biết về tài chính. Tuy nhiên, khi được yêu cầu làm bài kiểm tra tài chính: chỉ 6% đạt điểm A.
- Đồng thời, 30% người Mỹ không có tiền hưu trí hoặc lương hưu
- 38% người Mỹ vay nợ để tiêu dùng
- 44% không có khả năng trang trải các chi phí khẩn cấp trong tầm 10 triệu VNĐ
- 49% người Mỹ là người lo lắng, sợ hãi về tình trạng tài chính hiện tại của họ.
Qua nghiên cứu trên ta có thể thấy, sự lạc quan thái quá trong cách đánh giá của người Mỹ về sự hiểu biết tài chính tương quan như thế nào với thực tế tài chính và chất lượng cuộc sống của họ. Rõ ràng, việc thiếu kiến thức tài chính thực tế gây nên những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của những người dân Mỹ. Vậy với Việt Nam chúng ta thì sao?!
CÂU CHUYỆN TẠI VIỆT NAM
- Theo Visa, 51% người Việt Nam tự chấm điểm hiểu biết tài chính cá nhân của mình ở mức trung bình.
- Tuy nhiên, khi làm bài kiểm tra kiến thức người Việt Nam chỉ đứng thứ 15/17 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương. Hai kỹ năng quản lý tiền và đầu tư tài chính là yếu nhất.
- 47% người Việt Nam đang dùng nợ để mua tài sản hoặc tiêu dùng
- 95% người được khảo sát lo lắng về việc không có đủ tiền sinh sống khi về hưu (Prudential Việt Nam)
Chưa có một cuộc thống kê chính thức nào để đo lường về sự lo lắng, sợ hãi về tình trạng tài chính tổng thể của người Việt. Nhưng những con số như 95% người Việt đang lo lắng về tiền nghỉ hưu là một điều đáng để suy ngẫm.
Lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng trong tình hình kinh tế như hiện tại, dịch bệnh Covid chính là một trường hợp điển hình của việc chu kỳ kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Thị trường bất động sản đình đốn do cầu không đủ còn cung thì dư thừa, thị trường chứng khoán lao dốc khiến các nhà đầu cơ thiếu kiến thức cháy tài khoản
Đã rất nhiều trường hợp do dịch bệnh, thu nhập suy giảm khiến gia đình phá sản vì không trả nổi nợ mua nhà cho ngân hàng, các chủ doanh nghiệp cũng phải chịu cảnh để ngân hàng tịch biên 60-70% tài sản do không chi trả được nợ vay.
Nếu thời điểm chi tiêu, vay nợ hoặc đầu tư ấy, người tiêu dùng hoặc các nhà đầu tư kinh doanh chủ động với việc hiểu, vận dụng kiến thức kinh tế tài chính hơn và dự phòng cho rủi ro ở mức nào đó. Tin rằng, sẽ không có bất kỳ sự lo lắng hoang mang nào hoặc chí ít chỉ là một sự bối rối nhẹ vì tất cả đã có chuẩn bị
-----------------------
Lời kết
Còn 15 ngày nữa là kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, cũng vừa là thời điểm mà bác Hồ kính yêu phát động phong trào “Diệt giặc đói, giặc dốt và giải quyết khó khăn tài chính” để đối diện với một nền kinh tế nghèo nàn, một xã hội thiếu tri thức. Phong trào đã đi qua 75 năm, nền kinh tế Việt Nam nay đã lớn mạnh, phát triển, đời sống người dân nay đã ấm no hơn nhiều khi xưa.
Nhưng, chính vì lý do đó mà cạm bẫy ngày càng nhiều hơn, nền kinh tế thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro và những cú sốc từ khủng hoảng kinh tế sẽ sẵn sàng cướp đi tất cả tài sản của mỗi doanh nghiệp mỗi cá nhân thiếu dự phòng rủi ro, lấy đi ấm no hạnh phúc và bình an của mỗi chúng ta như kẻ thù xâm lược năm nào.
Vì hạnh phúc của chính mình và người thân yêu, mong bạn đọc nếu rơi vào trường hợp thiếu kiến thức tài chính, hãy như cha ông ta năm nào diệt giặc dốt, giặc đói và giải quyết khó khăn tài chính. Mọi thứ âu cũng chỉ cần đến một chữ “muốn” của chúng ta. Bạn muốn, bạn chắc chắn sẽ làm được