• Kiến thức đầu tư

5 LOẠI TÍNH CÁCH RỦI RO - PHẢI BIẾT TRƯỚC KHI HỌC ĐẦU TƯ

Phàm con người chúng ta rất thích tự chủ, tự có thể được định đoạt mọi điều. Và đối với vấn đề tài chính cũng vậy - quản lý các khoản đầu tư hay muốn các quyết định đầu tư là của riêng mình, nhưng với nhiều người có thể đó là một công việc quá sức. Vì sao? 

- Công việc chính chiếm của chúng ta hết quỹ thời gian, trí lực.

- Sự phức tạp của thị trường đầu tư, nếu mỗi nhà đầu tư THIẾU MỘT TRIẾT LÝ.

- Ngoài ra, thị trường đầu tư ngày càng phức tạp và “sai một li đi một dặm” hay “nhanh một phút chậm cả đời” (vội vàng) là điều ngày nay ta có thể thường xuyên thấy. Báo đài đã và đang đưa ra rả rất nhiều câu chuyện thực tế về sự phức tạp của thị trường đầu tư (tôi khẳng định chắc chắn nó cực đơn giản nếu chúng ta chịu học lấy một triết lý đầu tư).

- Sự cả tin của người dân hay những nhà đầu tư mong muốn có tiền (đôi khi là để tương lai có thể mua tài sản này tài sản nọ cho người thân chẳng hạn).

- Cả sự lừa lọc của một bộ phận không nhỏ các tổ chức, doanh nghiệp thiếu uy tín. Bản thân tôi nhiều khi cũng thấy nản vì cái tính chộp giật và nghĩ ngắn này của một bộ phận các tổ chức thiếu uy tín – điều làm sứt mẻ đi rất rất nhiều niềm tin vào hai cái từ “đầu tư” của người dân.

Tạm thời vứt hết cái đống hầm bà lằng kia đi, cho dù bạn có niềm tin và bắt đầu đầu tư với mục tiêu tăng trưởng tài sản (tiền bạc) bền vững đi nữa, bạn vẫn gặp phải cực kỳ nhiều vấn đề…! Đó là câu hỏi: Chúng ta có sử dụng cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai hoặc bất động sản không? Chúng ta có nên đầu tư dài (theo tôi và Buffett – nên đầu tư dài vào những doanh nghiệp làm ăn + tài chính tốt), có nên mua ký quỹ, có nên bán khống cổ phiếu hoặc ôm lô đất này với cái tin quy hoạch khu kinh tế này không?

LÀM GÌ NÀO…?!

Tất nhiên, bạn có thể đi sâu vào các chủ đề đã nêu ra ở trên một cách riêng lẻ, nhưng nếu bạn đang cố gắng xem xét về việc đầu tư của mình.

 Trước tiên bạn PHẢI XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ CHẤP NHẬN RỦI RO CỦA MÌNH

Tôi để ra hẳn một dòng để đánh dấu đậm việc xác định “Mức độ chấp nhận rủi ro” – để nhấn mạnh với mọi người, trong đầu tư, trong cuộc sống hay bất kể vấn đề gì ta đều nên quan tâm chữ “RỦI RO.

Bạn có thể quản lý tài khoản của mình dựa trên mức độ rủi ro bạn có thể chấp nhận và mức rủi ro mà bạn muốn chấp nhận.

XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ CHẤP NHẬN RỦI RO CỦA BẠN

Chấp nhận rủi ro là một khía cạnh cực kỳ quan trọng của việc bắt đầu đầu tư. Tùy thuộc vào độ tuổi, thu nhập, loại hình đầu tư và mục tiêu tài chính của bạn (ví dụ: mua nhà trong 5 năm tới, 15 năm nữa cho con đi du học, 30 năm nữa nghỉ hưu với tổng tài sản 40 tỷ…). Bạn và tôi sẽ thuộc một trong năm dạng “tính cách rủi ro” sau:

A. Chịu rủi ro rất cao – rất năng nổ (very aggressive)
B. Chịu rủi ro cao – năng nổ (aggressive)
C. Chịu rủi ro trung bình (balanced)
D. Chịu rủi ro thấp - thận trọng (conservative)
E. Chịu rủi ro rất thấp – bảo thủ (very conservative)

Ví dụ: nếu bạn là một người chịu rủi ro cao – năng nổ. Bạn sẽ là người phân bổ phần lớn tài sản vào đầu tư cổ phiếu, tuy nhiên sẽ là cổ phiếu vốn hóa lớn: những công ty được tổ chức kinh doanh tốt, có nền tảng tài chính lành mạnh và rủi ro phá sản là tối thiểu. Một phần tài sản sẽ được phân bổ vào trái phiếu.

Cách dễ nhất để có được cảm giác về loại “tính cách rủi ro” mà bạn thuộc về là dựa theo độ tuổi. Nếu bạn trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp, bạn sẽ có khả năng rơi vào nhóm chịu rủi ro rất cao, trong khi nếu bạn già và sắp đến tuổi nghỉ hưu, thì bạn có khả năng ở gần phía bảo thủ - nơi mà bạn cần giữ an toàn tài sản nhiều hơn là đi tìm kiếm tài sản. 

XÁC ĐỊNH RỦI RO ĐỂ LÀM GÌ…?

Đa số người dân Việt Nam có rất ít kiến thức về tài chính, trước đây tôi cũng vậy. Việc không xác định trước khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân (mức độ thiệt hại thực sự có thể chịu đựng) dễ khiến người trẻ rơi vào các bẫy nợ. Còn về phía người nếu quá thận trọng vào thời trẻ sẽ dễ bị rủi ro từ “bẫy lạm phát” ăn mòn hết tài sản và thu nhập, để đến khi về già gánh nặng chi tiêu và sức khỏe gây ra nhiều câu chuyện bi hài (bao nhiêu người bán hàng rong, hàng chợ mà các bạn nghĩ họ đã đến tuổi nghỉ ngơi).

Có một số biến thể nhỏ, nhưng tính cách rủi ro của bạn vẫn chỉ nằm trong tất cả năm loại tính cách trên. Và nếu là người đã hoặc đang bắt đầu quan tâm đến đầu tư cho tương lai, hãy ngồi lại trả lời một bảng câu hỏi về “mong muốn chấp nhận rủi ro” để xác định chính xác dạng tính cách rủi ro bạn có.

Hiểu được khả năng chấp nhận rủi ro rồi, xét duyệt lại các mục tiêu tài chính cụ thể mà mình muốn (mua nhà, mua xe, cho con đi du học, du lịch thế giới.…) để biết được mình sẽ cần sở hữu một số lượng tài sản bao nhiêu vào thời điểm nào. Sau đó, hãy tìm một triết lý đầu tư (theo tôi thì nên chọn triết lý bền vững) để đi theo.

Hiểu được rủi ro và có một triết lý, tôi cam đoan, bình an trong tâm hồn là thứ bạn chắc chắn có được…. Ít nhất là trong đầu tư. Chứ không còn là sự mông lung mong chờ: “có khi nào năm nay con hàng (cổ phiếu) mình cầm nó tăng 50-60% đúng như thằng cha hôm trước nó bày cho mình không nhỉ. Thế thì ngon rồi, sắp mua oto đây…”.

Từ một người từng thất bại, tôi dám chắc ý nghĩ đó đa phần là trật lất với sự thật. Vì tỷ lệ đưa ra là quá cao, chẳng có doanh nghiệp nào tăng trưởng mỗi năm đều 50% cả, tỷ lệ trung bình hàng năm chỉ là 15-20%. Nếu bạn chọn một tỷ lệ không phải sự thật, mà chỉ nằm trên miệng của ai đó – thì tiền của bạn cũng sẽ nằm trên miệng của người đó. Tôi không muốn chúng ta cùng sai một điều giống nhau, hoặc hãy để kinh nghiệm của tôi là cái sai duy nhất mà thôi. Chúc chúng ta thành công, cùng nhau.

Bài viết theo chủ đề

  • Tài chính cá nhân
  • Đầu tư chứng khoán

Công ty Cổ phần OneSecond Việt Nam

Thông tin liên hệ

Email: cskh@onesecond.vn

Địa chỉ: 18 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội

Cảm ơn bạn đã quan tâm!