Nếu bạn là một chàng trai thông minh có tiềm năng sự nghiệp xán lạn, một cô gái xinh đẹp chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng trong tình yêu thương vô bờ hay nếu bạn là một ông chủ của doanh nghiệp ăn nên làm ra, một cán bộ cấp cao giỏi giang tháo vát... Cuộc sống mãi như này thật tuyệt.
Nhưng, ông trời có nắng có mưa, ngày và đêm là một cặp bài trùng, đời người luôn có may mắn và rủi ro song hành, kinh tế vốn dĩ tăng trưởng rồi lại suy thoái, sự nghiệp quá thịnh sẽ đến lúc suy, kinh doanh có lúc đắt hàng thì sẽ có lúc ế ẩm, người chồng đẹp trai yêu chiều có thể một ngày không còn là bờ vai cho bạn nữa… Cuộc sống đôi khi thực tế đến phũ phàng và có lẽ không quá đẹp với những kẻ mộng mơ.
Nói như vậy để thấy, trong cuộc sống sự biến đổi giữa tốt và xấu luôn đồng thời tồn tại. Và có tốt chắc chắn sẽ phải có xấu, không thể mãi mãi nghiêng về một phía. Điều này tạo nên sự bất ổn định và rủi ro - rủi ro vì không thể đoán trước được biến cố sẽ xảy ra như thế nào.
Do đó, vào thời điểm thuận lợi ta cần tỉnh táo chuẩn bị tinh thần để dự phòng nhằm giảm thiểu thiệt hại, tổn thất khi rủi ro xảy ra. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về 4 loại rủi ro cơ bản có tác động đến tình hình tài chính cá nhân của một người và cách dự phòng cho nó
-------------------------------
4 rủi ro tài chính cá nhân cơ bản
Khi lên kế hoạch cho các mục tiêu trong cuộc sống, cần xem xét bốn rủi ro sau: rủi ro thu nhập, rủi ro chi tiêu, rủi ro tài sản và rủi ro nợ. Hãy cùng tôi xem xét kỹ 4 loại rủi ro này để tìm cách tránh, chia sẻ hoặc chuyển đổi các rủi ro đó nhằm giảm thiệt hại khi rủi ro xảy ra.
a. Rủi ro thu nhập
Loại rủi ro này liên quan trực tiếp đến khả năng kiếm thu nhập của bạn. Do đó dẫn đến mất thu nhập, vì những lý do sau:
- Tử vong
- Khuyết tật và do đó không thể làm việc (bệnh tật, tai nạn…)
- Mất việc do thời đại thay đổi khiến năng lực của bạn bị tụt hậu
- Thiếu việc làm do suy thoái khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, bạn thất nghiệp
- Thu nhập từ tài sản tích lũy không đủ để sử dụng do không dự phòng rủi ro lạm phát (cụ thể, đối với các trường hợp nghỉ hưu)
Phương án dự phòng:
- Tránh rủi ro:
o Tăng sức khỏe, hạn chế các hành động làm tăng nguy cơ tai nạn, bệnh tật.
o Nâng cao năng lực kiến thức để không bị thụt lùi.
o Đa dạng hóa thu nhập, tạo thu nhập thụ động để tránh việc mất phần lớn thu nhập trong một thời gian (viết blog, làm youtuber, freelancer, đầu tư BĐS, chứng khoán đúng cách…)
o Lập kế hoạch nghỉ hưu, kế hoạch tiết kiệm thường xuyên và thực hiện đều đặn
- Chuyển đổi rủi ro:
o Mua bảo hiểm nhân thọ phù hợp để đảm bảo rằng các thành viên gia đình có thể duy trì lối sống tương tự hiện tại, trong trường hợp trụ cột tài chính của gia đình không may tử vong.
o Bảo hiểm tai nạn, bệnh hiểm nghèo nên được thực hiện, để giảm bớt nỗi đau tài chính, trong trường hợp bạn gặp các rủi ro này
b. Rủi ro chi tiêu
Rủi ro chi tiêu có thể xảy ra với các lý do sau:
- Khi bạn tiêu nhiều tiền hơn bạn kiếm được (lạm chi, lạm phát lối sống)
- Khi bạn không kiếm đủ tiền, để đáp ứng nhu cầu đã trở nên quá quen và khó bỏ được của bạn
- Khi bạn gặp trường hợp khẩn cấp, điều đó buộc bạn phải tiêu rất nhiều tiền trong một thời gian
Phương án dự phòng:
- Tránh rủi ro:
o Để tránh rủi ro chi phí, nên lập kế hoạch về thu chi và ứng dụng “bộ tỷ lệ chi tiêu”. Nó giúp bạn quản lý chi phí của mình để hạn chế việc chi tiêu không quá quan trọng và hạn chế nợ vay quá đà. Ví dụ của bộ tỷ lệ chi tiêu:
§ Quy tắc 50/30/20 dành cho chi tiêu, tiết kiệm
§ Quy tắc 36% thu nhập dành cho tổng chi trả nợ
§ 20/4/10 cho khoản vay mua oto cá nhân
o Tìm hiểu cách kiếm thêm thu nhập, để bạn có thể kiếm được nhiều hơn số tiền bạn chi tiêu.
o Bắt đầu xây dựng một quỹ khẩn cấp để bạn có tiền mặt dự trữ để đối phó với các trường hợp khẩn cấp. Ví dụ: người nhà bất ngờ nằm viện, dịch Covid khiến kinh doanh ế ẩm cần có tiền dự phòng
- Chuyển đổi rủi ro:
o Có thể thực hiện các chính sách bảo hiểm thích hợp như bảo hiểm xe hơi, bảo hiểm nhà để chống lại những tai nạn.
c. Rủi ro tài sản
- Tài sản của bạn bao gồm cả các khoản đầu tư của bạn và các tài sản khác, chẳng hạn như nhà, xe hơi, đồ trang sức và các tài sản khác. Thật không may, tất cả chúng đều dễ bị tổn thương trước các loại rủi ro khác nhau, bao gồm:
- Không tiết kiệm đủ hoặc không đầu tư đúng cách, để đáp ứng các mục tiêu tài chính của bạn
- Khoản đầu tư của bạn bị mất vốn
- Lợi tức đầu tư kém hiệu quả
- Danh mục đầu tư chưa đa dạng hoặc không đa dạng
- Trộm cắp hoặc tài sản bị phá hủy do nguyên nhân khách quan (động đất, hỏa hoạn,…)
- Khấu hao khiến tài sản mất giá
- Lạm phát khiến giá trị tài sản suy giảm
Phương án dự phòng:
- Tránh rủi ro:
o Đảm bảo rằng bạn tiết kiệm đủ cho các mục tiêu tài chính của bạn. Mà bạn cần tạo một kế hoạch tài chính và xem xét nó thường xuyên.
o Hiểu kỹ về các đặc điểm rủi ro và lợi nhuận của từng loại tài sản và chọn danh mục đầu tư phù hợp cho từng mục tiêu tài chính. Tuyệt đối không nhầm lẫn đầu tư và đánh bạc
o Tìm hiểu về tác động của lạm phát, chu kỳ kinh tế đối với vấn đề tài chính cá nhân, tài sản
- Chuyển đổi rủi ro:
o Bảo vệ tài sản vật chất của bạn chống lại trộm cắp hoặc phá hủy từ thiên tai, hỏa hoạn với các loại bảo hiểm thích hợp. Ví dụ: bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe hơi, bảo hiểm kinh doanh, v.v.
d. Rủi ro nợ
Rủi ro nợ / tín dụng là rủi ro, có thể xảy ra do các lý do sau:
- Tích lũy nợ quá nhiều
- Sử dụng nợ để mua tiêu sản thay vì dùng nợ để mua tài sản sinh lợi
- Chi quá nhiều tiền cho các chi phí liên quan đến nợ như chi trả nợ lãi suất cao
- Tích lũy nợ xấu
Phương án dự phòng:
- Tránh rủi ro:
o Quá nhiều nợ (tỷ lệ chi trả nợ hàng tháng cao hơn 36% thu nhập) khiến bạn dễ dàng phá sản hoặc khánh kiệt khi chu kỳ kinh tế suy thoái, khủng hoảng tới. Rất nhiều đại gia đã phá sản vì quá tự tin mà vay nợ kinh doanh quá nhiều, các trường hợp vay nợ mua nhà nhưng do suy giảm thu nhập nên không thể thanh toán nợ vay và rất căng thẳng vì lo ngại bị tịch biên tài sản trong thời Covid cũng rất nhiều. Hãy vay nợ ở tỷ lệ hợp lý
o Vay nợ để mua oto nhưng nếu oto đó tạo ra lợi nhuận thì đó là bạn mua tài sản. Nếu vay nợ để mua oto nhưng oto không dùng để kinh doanh, trong khi bạn hoàn toàn có thể đi lại bằng phương tiện khác với chi phí rẻ hơn -> đó chính là tiêu sản. Hãy hạn chế tiêu sản
o Nếu bạn đã mắc nợ đặc biệt là Nợ xấu, hãy trả hết nợ nhanh nhất có thể, vì phí phạt nợ trả chậm rất cao. Trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất có thể lên đến 150% lãi suất cho vay
o Nếu có nợ xấu, điểm tín dụng của bạn rất thấp và khi vay mới để mua nhà hoặc kinh doanh, ngân hàng sẽ dè dặt và sẽ dễ áp lãi suất vay cao hơn so với người bình thường.
----------------------
Kết lại, không phải ai trong chúng ta cũng đều phải gặp 4 rủi ro tài chính cá nhân trên. Tuy nhiên có một số rủi ro nếu chúng ta không dự phòng cho nó sẽ khiến tài chính trở nên nặng nề, khánh kiệt, phụ thuộc vào người khác hoặc có thể dẫn tới phá sản làm cuộc sống chúng ta khó có hạnh phúc, bình an.
Các rủi ro về nợ, mất thu nhập do rủi ro tai nạn, bệnh tật hoặc rủi ro thiếu thu nhập khi nghỉ hưu là những rủi ro rất lớn cần dự phòng.
Khi nắm vững và có động thái dự phòng cho các rủi ro này rồi, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, bản thân cũng nhẹ nhàng bình an đối diện vì đã có sự chuẩn bị nhất định. Những điều này rất dễ để tìm hiểu và nắm vững, chỉ cần bạn muốn, chắc chắn mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn